Tin chi tiếtx

Người đem hoa Đà Lạt đấu xảo ở Nhật Bản.
 Đăng ngày: 07/10/2010
Đà Lạt mỗi năm sản xuất trên 35 triệu cành hoa các loại, hầu hết tiêu thụ tại thị trường trong nước. Năm 2005, một chàng trai Đà Lạt mạnh dạn đưa hoa đến Nhật tham gia đấu xảo và đã thành công. 


Đà Lạt mỗi năm sản xuất trên 35 triệu cành hoa các loại, hầu hết tiêu thụ tại thị trường trong nước. Năm 2005, một chàng trai Đà Lạt mạnh dạn đưa hoa đến Nhật tham gia đấu xảo và đã thành công.
Nguyễn Đình Sơn sinh ra và lớn lên tại xứ sở ngàn hoa Đà Lạt, tốt nghiệp Đại học Kinh tế, anh "trụ" lại TP.HCM một thời gian mong tìm được việc làm ổn định. Đà Lạt có thế mạnh là hoa, tại sao không làm giàu từ cây hoa?", ý tưởng trên đã thôi thúc Sơn trở về Đà Lạt thành lập công ty công nghệ sinh học Rừng Hoa. Buổi đầu, anh lập phòng nuôi cấy mô, thí nghiệm, sản xuất, cung ứng giống hoa cho nông dân.
Sau 2 năm gắn bó với nông dân, Sơn nhận ra nếu nhà vườn chỉ tiêu thụ hoa ở thị trường nội địa thì giá cả luôn bấp bênh, không thể phát huy hết tiềm năng. Từ đó Sơn đầu tư sản xuất thêm hoa thương phẩm. Sơn chịu khó đầu tư vốn sang tận Thái Lan, Trung Quốc... tham quan, học hỏi cách trồng hoa. Theo Sơn, ở Trung Quốc quy trình chăm sóc hoa tối ưu, năng suất hoa rất cao, chi phí nhân công rẻ, nhưng mùa đông lại không thể canh tác.
Thái Lan có công nghệ sinh học hơn ta một bậc, họ thường xuyên lai tạo được nhiều loại giống hoa mới, màu sắc, hình dáng phong phú có tính cạnh tranh cao. Thái Lan mạnh về phong lan nhưng về điều kiện tự nhiên, khí hậu phải ganh tị với Đà Lạt. Ở Nhật Bản quy trình công nghệ sản xuất hoa rất hoàn hảo, nhưng chi phí sản xuất quá cao, vì phải sản xuất hoa trong môi trường nhân tạo.
Sơn nhận xét: "So với Nhật Bản, chỉ riêng khí hậu "trời cho", người trồng hoa Đà Lạt đã giảm được 30% chi phí đầu tư, đây là một lợi thế cạnh tranh cần phát huy". Khi sản xuất vụ hoa đầu tiên, Sơn may mắn gặp một đối tác đến từ Nhật Bản, họ đánh giá cao về chất lượng hoa do công ty Rừng Hoa sản xuất và đồng ý mua hoa. Do thiếu kinh nghiệm trong việc bảo quản, đóng gói, vận chuyển nên những chuyến hàng xuất khẩu đầu tiên của công ty thất bại, những bông hoa Đà Lạt tươi thắm khi đến Nhật trở thành hoa úa, bị trả về. Vạn sự khởi đầu nan, không nao núng, Sơn tìm tòi học hỏi để hoàn thiện quy trình, khắc phục nhược điểm. Trung tuần tháng 11-2005, Nguyễn Đình Sơn mạnh dạn mang 5 loại hoa Đà Lạt qua Tokyo tham gia đấu xảo. Thật bất ngờ, Hoa của trang trại Rừng Hoa được nhiều đối tác chấp nhận, vì chất lượng bảo đảm, giá cả phù hợp. Bây giờ mỗi tuần công ty của Sơn đều đặn gửi hai chuyến hàng bằng đường hàng không tham gia thị trường tại Trung tâm đấu xảo hoa Tokyo, khẳng định chỗ đứng và đã chinh phục được thị trường khó tính này. Sơn phấn khởi cho biết hình thức đấu xảo giúp người sản xuất không bị ép giá, đồng thời biết được nhu cầu và thị hiếu của người tiêu dùng và có kế hoạch sản xuất phù hợp.
Công ty Rừng Hoa đang mở rộng diện tích canh tác lên 20 ha ở khu nông nghiệp công nghệ cao (Đạsa huyện Lạc Dương), riêng hoa arum (loa kèn) tăng gấp 4 lần mới đủ đáp ứng yêu cầu đặt hàng. Ngoài thị trường Nhật, hằng tuần Công ty Rừng Hoa còn xuất khẩu hoa sang Indonesia, Bỉ, mỗi chuyến từ 5.000 đến 10.000 cành hoa gồm cúc, arum, hồng môn, lili, hoa hồng...
Tuy số lượng chưa nhiều, nhưng đây là công ty hoa tư nhân đầu tiên ở Đà Lạt xuất khẩu hoa tươi trực tiếp ra nước ngoài. Mỗi tháng công ty Rừng Hoa cung cấp cho nông dân từ 60-80 ngàn cây giống hoa các loại; tiếp tục khảo nghiệm nhiều giống hoa mới, phục tráng một số giống hoa truyền thống của Đà Lạt để bảo đảm nguồn hoa tiêu thụ lâu dài. Cách tiếp cận thị trường của giám đốc công ty Rừng Hoa được xem là táo bạo, mới mẻ, từ đây hé mở một hướng đi mới cho thị trường hoa Đà Lạt.
Nguồn Thanh Niên


Đăng bởi Admin.Quay lại