Tin chi tiếtx

Sản xuất tre giống bằng phương pháp in vitro mở ra một triển vọng rất lớn.
 Đăng ngày: 13/10/2014

Ông Nguyễn Đình Sơn với những cây tre giống được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm.

Trong khi các nước trong khu vực chưa thể thực hiện thành công kỹ thuật in vitro đối với loài cây thân gỗ là tre thì việc sản xuất hàng loạt cây giống bằng phương pháp này tại một cơ sở tư nhân thuộc thành phố “công nghệ sinh học” Đà Lạt quả là điều đáng nói. Hơn thế, nói như ông GĐ cơ sở đó, việc nhân giống thành công đối với cây tre bằng phương pháp in vitro đã mở ra một triển vọng rất lớn cho ngành sản xuất này trong tương lai. Cơ sở duy nhất ở Việt Nam thành công trong việc sản xuất cây tre giống bằng phương pháp in vitro là Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng Hoa Đà Lạt.

         Ông Nguyễn Đình Sơn – GĐ Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng Hoa, cho biết: “Phải mất hơn một năm trời nghiên cứu, thử nghiệm, chúng tôi mới có thể đạt được sự thành công trong việc thực hiện kỹ thuật in vitro đối với loài cây tre thân gỗ”. Thực ra, kỹ thuật in vitro (nuôi cấy mô trong ống nghiệm) đối với Đà Lạt đã trở nên phổ biến từ nhiều năm qua. Tuy nhiên, kỹ thuật này chỉ được thực hiện ở hầu hết trên các loại cây thân mềm như khoai tây, cà rốt, các loại hoa Đà Lạt…, còn với cây thân gỗ, đến nay, hầu như chỉ duy nhất Viện Sinh học Tây Nguyên thành công trên cây thông đỏ. Theo ông Sơn cho biết thì cách nay khoảng hai năm, một người quen của ông ở Philippines có đặt vấn đề với Rừng Hoa về việc nhân giống các loại tre – một thứ cây thân gỗ khá quen thuộc với nhiều quốc gia, đã được Philippines nghiên cứu nhân giống vô tính nhưng không thành công. Trước lời đề nghị này, ông Sơn tuy đồng ý nhưng không phải là không có những nỗi lo riêng, mặc dầu cơ sở sản xuất cây giống bằng phương pháp in vitro của ông được đánh giá là lớn nhất Đông Nam Á (hiện nay). “Và, sau một năm, đến lúc này, Rừng Hoa đã tìm ra được quy trình nhân giống vô tính và sản xuất hàng loạt cây giống đối với cây thân gỗ là tre” – ông Nguyễn Đình Sơn nói.

         Vào tháng 10/2010, lô hàng cây tre giống bằng kỹ thuật nuôi cấy mô trong ống nghiệm với số lượng 1.000 cây được xuất sang Philippines là sự đánh dấu thành công của Rừng Hoa trong việc nghiên cứu và thử nghiệm nhân giống bằng phương pháp in vitro đối với loài cây thân gỗ này. “Bình quân mỗi năm, cơ sở chúng tôi sản xuất được 12.000 cây giống bằng phương pháp in vitro, trong đó có 70% dành cho xuất khẩu. Nhưng đó chủ yếu chỉ là những loài cây thân mềm. Riêng cây tre thân gỗ thì với phương pháp nhân giống trong ống nghiệm, chúng tôi chỉ có khả năng sản xuất khoảng 2.000 cây giống mỗi tháng” – ông Sơn nói. Trong khi đó, ngay sau khi biết Rừng Hoa của Đà Lạt Việt Nam thành công với “cây tre in vitro”, phía Philippines đã đặt vấn đề: Mỗi năm, Rừng Hoa cung cấp cho họ khoảng 2 triệu cây tre giống! “Một con số quá lớn, nằm ngoài “tầm kiểm soát” nên chúng tôi chưa nhận lời ngay mà chỉ hứa sẽ ký kết hợp đồng trong tương lai, khi cơ sở của Rừng Hoa được mở rộng” – ông Sơn cho biết. Theo một số chuyên gia, việc nghiên cứu và sản xuất thành công cây tre giống bằng phương pháp in vitro của Công ty cổ phần Rừng Hoa Đà Lạt đang mở ra một triển vọng rất lớn cho không chỉ Lâm Đồng mà còn cho cả Việt Nam. Hiện tại, Rừng Hoa đang tiến hành xây thêm một phòng lab (phòng thí nghiệm; và trong thực tế, còn là nơi sản xuất cây giống) rộng khoảng 2.000m2, bằng cơ sở phòng lab hiện tại, để mở rộng sản xuất. “Lúc đó, nhu cầu 2 triệu cây tre giống bằng phương pháp in vitro của phía Philippines may ra mới được chúng tôi đáp ứng” – ông Sơn tâm sự thật.

         Cây tre giống in vitro sạch bệnh, có khả năng chống bão, chống xói mòn cao… đang là nhu cầu không chỉ của Philippines (với số lượng khổng lồ - 2 triệu cây mỗi năm) mà đó còn là nhu cầu của nhiều quốc gia khác và cũng là nhu cầu của nhiều địa phương ở Việt Nam. Đà Lạt với 48 cơ sở nghiên cứu và nhân giống cây bằng phương pháp in vitro nhưng chỉ có một cơ sở thành công trong việc nhân giống cây tre thân gỗ bằng phương pháp này quả là điều đáng nói. Và, trước nhu cầu rất lớn về “cây tre giống in vitro” hiện nay của Việt Nam và thế giới, phải chăng đã đến lúc đặt ra vấn đề liên kết trong sản xuất giữa các cơ sở in vitro này của Đà Lạt?


Đăng bởi Admin.Quay lại